Chúng tôi gặp A Thục trước sân nhà. Thằng bé chừng 4 tuổi, nhỏ thó, đen nhẻm, đang chơi đùa với những đứa trẻ nhìn cũng na ná nó. Nhưng, A Thục khác. Nó đập vào mắt chúng tôi bởi một vết thương hở, sưng tấy bên mạn sườn. Vết thương đang mưng mủ và rất dễ nhận ra là đã tạo thành một ổ áp xe trên cơ thể nhỏ thó của đứa trẻ. Thục vừa hồn nhiên chạy nhảy, vừa khẽ lấy tay bưng bên dưới vết thương, thỉnh thoảng phải dừng lại xuýt xoa rồi lại “xông trận” với chúng bạn. Vết thương có vẻ đã lâu ngày, chắc chắn không dưới một tháng, lại đang ở tình trạng xấu. Tôi gọi A Thục lại, hỏi hỏi nhà con đâu. Thằng bé chỉ ngay vào căn nhà phía sau khoảnh sân nó đang chơi. Nhìn căn nhà xây bằng gạch, cũ kỹ giống như phần đông nhà cửa trong làng, tôi biết, A Thục là con cháu của một bệnh nhân phong.
Lẩn Quẩn Và Bế Tắc
Thế kỷ trước, Làng Dakkia là làng “cách ly” của những bệnh nhân phong, nằm trong thung lũng giữa những đồi núi cao phía Tây tỉnh Kon Tum. Khi đó, nơi đây là nơi tá túc của những bệnh nhân phong, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, tách khỏi cả khả năng lây nhiễm và cả sự kỳ thị của người đời. Bệnh phong lây, nhưng không di truyền. Nhiều người làng Dakkia được chữa khỏi bệnh, lấy nhau, sinh con đẻ cái. 80 năm trôi qua, nhiều người ở làng Dakkia sau này không còn bị phong. Nhưng căn bệnh vẫn lẩn khuất trong làng với cái quá khứ và mặc cảm tự nhiên của những người đã sinh ra trong sự “phong tỏa”. Điều này không thành vấn đề với những năm tháng sơ khai, khi làng Dakkia gần như sống tự cung tự cấp. Họ sống dựa vào rừng, tự canh tác, nuôi trồng để trao đổi với nhau. Về sau, người Kinh dần “dạn dĩ” hơn với “trại phong Dakkia”, họ mà mở rộng địa bàn canh tác về phía Tây Kon Tum, dần chiếm diện tích canh tác của người làng Dakkia. Người Dakkia cũng không còn đất. Nguồn sống trong làng Dakkia cạn kiệt. Nghèo túng, những trụ cột gia đình đành phải bước ra khỏi nỗi mặc cảm làng phong để sang các làng lân cận, kiếm việc làm thuê. Cả làng Dakkia 200 hộ dân gần như chỉ lay lắt sống bằng những cuộc làm thuê hiếm hoi và chớp nhoáng ở những làng bên cạnh.
Gia đình A Thục là một gia đình “điển hình” cho số phận của những người làng Dakkia. Tiếp tôi trong nhà là người phụ nữ độ ngoài ba mươi tuổi, dáng hình nặng nề với cái thai hơn 6 tháng. Đó là mẹ A Thục. Nhà có khách, cô bối rối tiếp chuyện trong những cái cười gượng gạo và những câu trả lời ngập ngừng, lúng túng. Tôi hỏi về vết thương của A Thục trước tiên, người mẹ càng ngập ngừng. Hỏi cả A Thục lẫn mẹ nó, chúng tôi “ghép” lại được thành một câu chuyện: Thục chạy chơi với lũ trẻ con trong xóm thì bị ngã, sườn trái đâm vào cành cây, máu chảy nhiều. Tôi hỏi A Thục bị ngã lâu chưa. Mẹ Thục nói: “Hơn tháng rồi”.
Hơn một tháng, đứa bé đã quen với cơn đau. Nhưng vết thương đang ăn sâu, lan rộng trên tấm thân gầy gò, lại phơi cả ngày trong bụi, trong nắng. Vết thương đó không thể tự lành. Nhưng, với người mẹ trẻ, chuyện phải đi bệnh viện quá khó khăn và phiền phức khi đứa nhỏ chưa đến nỗi liệt giường. Chị tin nó sẽ tự khỏi. Khi chúng tôi đề nghị được đưa Thục đi bệnh viện, chị ngập ngừng, nói một câu bâng quơ gì đó không rõ là từ chối hay tán thành. Tôi phân tích những biểu hiện xấu trên vết thương của Thục rồi hỏi, chị có đồng ý đưa A Thục đi bệnh viện không. Người mẹ nhìn xuống cái bụng sắp vượt mặt, rồi nhìn đau đáu vào không trung. Trong bụng chị là đứa con thứ 7. Thục là người thứ 4 trong gia đình, sau Thục còn 2 đứa em nheo nhóc. Riêng việc phải gánh gồng cuộc sống có 6 đứa trẻ và một thai nhi đã quá tải với một gia đình. Việc có ai đó phải rời làng lên bệnh viện, là một điều quá thử thách.
Theo quán tính, một người trong đoàn chúng tôi hỏi “ba A Thục đâu rồi?”. Người phụ nữ im lặng chỉ về sau nhà. Ở vòi nước phía sau, chồng chị đang ngồi giặt đồ. Thấy khách, anh đứng lên bước về hướng trước nhà, chân thấp chân cao, vừa đi vừa lè nhè mấy câu gì không nghe rõ. Anh đang say rượu. Suốt cuộc trò chuyện, anh chỉ nói mấy điều vô nghĩa, thỉnh thoảng còn khiến người vợ nổi nóng khi cứ một mực nói: “tôi không nuôi nó đâu, bà đưa nó đi bệnh viện thì tự xuống bệnh viện mà nuôi!”. Khung cảnh lúc đó, với một đứa trẻ đang đau đớn, một người mẹ mang bầu, và một ông chồng say rượu – như đồng hiện tất cả những bế tắc của một gia đình mẫu hệ nghèo khó, cùng cực.
Dìu Con Qua Cơn Đau
Khi nghe Thục nói con rất đau, chúng tôi nhanh chóng quyết định phải đưa em xuống bệnh viện tỉnh để điều trị. Hôm đó cận Tết, tôi lại sắp quay về Sài Gòn. Nhưng, chỉ nhìn bằng mắt thường đã dự đoán được mức độ cấp bách của vết thương, tôi liền gửi gắm bác sĩ Tiến – một người bạn công tác ở Kon Tum đưa A Thục đi khám.
Tại bệnh viện Kon Tum, kết quả chụp chiếu và khám lâm sàng cho thấy Thục đã bị gãy xương sườn, viêm xương. Đoạn xương gãy đang làm thành ổ áp xe, và có khả năng đâm vào phổi nếu để lâu ngày. Bác sĩ cho biết A Thục cần được mổ, càng sớm càng tốt. Nhưng, hôm đó là 26 Tết, mọi sự gấp gáp tại bệnh viện đều được dời sang sau Tết. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định phải thuyết phục bệnh viện mổ ngay cho A Thục. Đứa bé đã chịu đau quá lâu, nếu để thêm một ngày là càng thêm nguy cơ biến chứng nặng, không thể khắc phục.
Sau nhiều cân nhắc về điều kiện của bệnh viện lẫn mức độ nguy cấp của A Thục, các bác sĩ đồng ý tiến hành mổ vào mùng 6 Tết. Ăn Tết xong, A Thục xuống bệnh viện với mẹ (?). Ca mổ được tiến hành với nhiệm vụ: lấy ổ áp xe, lấy xương gãy, nạo vét hết vùng tổn thương, nạo sạch vùng viêm xương. Sau ca mổ, A Thục được lưu viện 10 ngày để điều trị bằng kháng sinh. Tất cả chi phí do các Mạnh Thường Quân tài trợ.
Sau ca mổ, A Thục như mang một gương mặt khác. Cái e dè cơn đau vẫn phảng phất trên gương mặt đứa trẻ 4 tuổi ngay từ lần đầu tôi gặp đã không còn. Em tươi tỉnh hơn. Chỉ có điều, nơi vết thương vừa được chữa lành là một vết sẹo, lõm sâu vào ngực.
A Thục đã khỏe, đã thoát khỏi những nguy cơ tai ác từ việc nhiễm trùng vết thương. Nhưng vết lõm trên ngực em, như nhắc nhớ những thiếu khuyết, thiệt thòi của một đứa trẻ lớn lên giữa Dakkia – vùng đất luôn thôi thúc tôi phải đem sức mình nuôi dưỡng, bù đắp.
Linh mục Phaolô Nguyễn Như Hiếu
0 Bình luận